Giáo dục kĩ năng sống trong trường học – những cách làm hay, sáng tạo
Trong năm học mới, để phương pháp giảng dạy kỹ năng sống được phát huy hiệu quả theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT trong chương trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, nhiều trường đã chuyển hướng từ trang bị kiến thức nặng lý thuyết sang trang bị những năng lực cần thiết và phẩm chất cho người học.
Học bằng trải nghiệm và sáng tạo
Để rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ, thời gian qua, các trường học, cấp học trên địa bàn cả nước đã có nhiều hoạt động tích cực và đa dạng.
Đối với trẻ mầm non, các trường đưa ra nhiều chương trình mới mẻ và sáng tạo: xây dựng tình huống cụ thể để trẻ trải nghiệm trong giờ học; tăng cường các góc chơi ngoài sân trường như: trồng vườn rau, vườn hình tượng thú, khu trưng bày chơi dân gian, chợ quê; hay tổ chức hội khỏe măng non, hoạt động “Một ngày bé làm chiến sĩ”, các chuyến tham quan…
Ở khối tiểu học, việc tiếp tục thực hiện thí điểm tài liệu “Thực hành kỹ năng sống” cho HS tiểu học trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm cũng đạt được những hiệu quả nhất định. Nhiều trường đã tổ chức các hoạt động đa dạng vào các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm trong năm, thành lập các câu lạc bộ võ thuật vovinam, karate, lớp bơi lội, cầu lông, aerobic, bóng đá… Những hoạt động này được học sinh hưởng ứng và tham gia tích cực.
Ở cấp THCS, THPT, việc giáo dục kỹ năng sống được lồng ghép trong các môn học chính khóa, các tiết sinh hoạt chào cờ đầu tuần, sinh hoạt chủ nhiệm lớp cuối tuần, chương trình hoạt động ngoại khóa, hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, chương trình phát thanh thanh niên.
Nhiều trường đã tích cực tổ chức các hoạt động kỹ năng mềm cho HS xuyên suốt năm học, rèn cho HS kỹ năng tham gia các hoạt động tập thể, các hoạt động tham quan làng nghề, di tích lịch sử, ngày hội tiếng Anh…
Các trường THPT như: Ngô Gia Tự, Nguyễn Trãi, Phan Bội Châu… còn phối hợp với một số trường đại học cho HS trải nghiệm “24 giờ tập làm sinh viên”…
Nhiều phụ huynh và học sinh hưởng ứng
Học sinh trường THCS Thái Nguyên hào hứng tham gia chương trình giao lưu âm nhạc |
Việc thực hiện GDKNS thông qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cũng nhận được sự ủng hộ lớn từ học sinh, phụ huynh và nhà trường. Những chuyến tham quan trải nghiệm thực tế, hoạt động từ thiện hay chương trình giao lưu câu lạc bộ, các cuộc thi hùng biện, tài năng…thường xuyên được tổ chức trong nhà trường và thu hút sự hào hứng tham gia của đông đảo học sinh.
Em L.N.Hoàng (HS Trường THCS Thái Nguyên, Nha Trang) chia sẻ: “Em rất thích tham gia các chương trình giao lưu, tham quan trải nghiệm thực tế do nhà trường tổ chức vì có thể đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều bạn bè, được tiếp thu những kiến thức mới không qua sách vở. Từ những chuyến đi, em có nhiều kỉ niệm và bài học nhớ mãi.”
Cô P.T.T.Uyên – Hiệu trưởng Trường THCS Thái Nguyên đánh giá: “Các hoạt động giáo dục kỹ năng sống đã góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của học sinh. Các em biết kiểm soát hành vi của bản thân, có kỹ năng trong việc giải quyết mâu thuẫn, tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, tham gia các hoạt động tập thể nhiệt tình và có chất lượng hơn.”
Theo ông Cao Đình Trung – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Nha Trang, từ năm học 2015 – 2016, phòng triển khai hoạt động trải nghiệm sáng tạo tới toàn bộ 25 trường THCS trên địa bàn (năm học này có 26 trường) và khuyến khích các trường tiểu học thực hiện, với yêu cầu đảm bảo tinh thần tự nguyện của phụ huynh, học sinh. Nhiều trường có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả như: THCS Thái Nguyên, THCS Võ Văn Ký…
Các hoạt động này giúp học sinh nắm chắc kiến thức, tăng cường tinh thần đoàn kết, góp phần giáo dục các em về đạo đức, lối sống, lòng nhân ái, ý thức bảo vệ môi trường, thiên nhiên, kỹ năng ứng xử với bạn bè, thầy cô… đặc biệt góp phần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Từ đó góp phần định hướng nhân cách, định hướng tương lai nghề nghiệp cho học sinh sau này.
Nguồn : ( Sưu tầm)
Bình Luận