Giáo dục – Mối quan tâm hàng đầu của trẻ em Việt Nam

Giáo dục – Mối quan tâm hàng đầu của trẻ em Việt Nam

Một cuộc khảo sát đối với 4.600 trẻ em tại châu Phi, châu Á và châu Mỹ, trong đó có Việt Nam, cho biết tại

các quốc gia đang phát triển, giáo dục đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của trẻ em từ 10 đến 12 tuổi. Điều này thể hiện ở con số cứ năm

trẻ em thì lại có hai trẻ mong muốn sau này trở thành giáo viên hay bác sĩ. Trong khi đó, tại các nước phát triển, hầu hết trẻ em lại dành ưu tiên cho nghề vận động viên thể dục thể thao (20,1%) hay nghệ sĩ chuyên nghiệp (21,1%).

Đây là kết quả vừa được công bố từ khảo sát toàn cầu Tiếng nói nhỏ, Ước mơ lớn do Liên minh ChildFund tổ chức hàng năm với sự hỗ trợ xử lý dữ liệu của tổ chức Ipsos Observer. Đây là lần thứ hai Liên minh ChildFund tiến hành cuộc khảo sát này nhằm đem tới những cái nhìn sâu sắc về suy nghĩ và quan tâm của trẻ em trên toàn thế giới, đặc biệt là của những trẻ bị xao nhãng và tổn thương nghiêm trọng nhất. Qua thăm dò ý kiến của trẻ em ở 44 quốc gia, các em đều cho biết rất lạc quan về tương lai, song cũng lo ngại trước các vấn đề về tội phạm, bệnh tật, nạn đói và bạo lực.

Khi được hỏi sẽ làm gì để cải thiện cuộc sống của trẻ em nếu được là nhà lãnh đạo đất nước, có đến gần một nửa (49,3%) số trẻ em ở các nước đang phát triển nói rằng các em sẽ ưu tiên cải thiện hệ thống trường học tại mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, con số này thậm chí còn lớn hơn với 53% ý kiến cho rằng việc xây dựng trường học và cung cấp đồ dùng học tập, sách giáo khoa miễn phí là ưu tiên hàng đầu.

“Trẻ em lớn lên trong nghèo khó nhận thức rõ hơn ai hết sức mạnh của giáo dục trong việc phá vỡ vòng luẩn quẩn của nghèo đói”, ông Jim Emerson, tổng thư ký Liên minh ChildFund cho biết.

Nếu có một ngày rảnh rỗi để làm bất cứ điều gì mình muốn, sẽ có khoảng một phần ba trẻ em trên thế giới lựa chọn vui chơi (với bạn bè, trên sân bóng hoặc sử dụng máy tính/ trò chơi điện tử), tiếp theo là học hành hoặc làm bài tập (13,4%). Trong khi đó, học tập lại là ưu tiên hàng đầu của trẻ em Việt Nam (26%). Chỉ có 1% trẻ em Việt Nam lựa chọn sử dụng máy tính hoặc chơi trò chơi điện tử.

Sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu của trẻ em Việt Nam. Khoảng một phần ba trẻ em lo ngại các vấn đề liên quan đến sức khỏe (28%), tiếp theo là thiên tai (25%), bạo lực (15%) và nghèo đói (7%).

Để bảo vệ trẻ em, 55% trẻ em Việt Nam cho rằng cần nâng cao nhận thức và hỗ trợ về xâm hại trẻ em cũng như đào tạo kỹ năng làm cha mẹ cho các bậc phụ huynh. Kết quả này cho thấy trẻ em đã có nhận thức tốt hơn về các vấn đề liên quan tới quyền trẻ em và mong muốn các vấn đề này được giải quyết tại địa phương.

“Hiện nay, tại Việt Nam, còn rất nhiều trẻ em chưa được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Trong thời gian gần đây, chính phủ Việt Nam cũng đã và đang phát triển nhiều chương trình bảo vệ trẻ em ở cấp quốc gia huy động sự tham gia của các cơ quan, các cấp chính quyền địa phương, tổ chức xã hội và gia đình, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều việc phải làm nhằm thực hiện quyền trẻ em”, bà Deborah Leaver, Giám đốc quốc gia của tổ chức ChildFund tại Việt Nam cho biết.

“Từ năm 2008, ChildFund tại Việt Nam đã triển khai mô hình Cộng đồng Phù hợp với Trẻ em tại hai tỉnh Hòa Bình và Bắc Kạn như một hợp phần trong chương trình Quyền Trẻ em và Bảo vệ Trẻ em. Chương trình này nhằm thúc đẩy tiếng nói và sự tham gia của trẻ em để bảo đảm các quyền của trẻ em”.

Nguồn: ( Copy)

 

 

 

 

 



Bình Luận

0973 962 456