Lỗ hổng trong giáo dục nhân cách cho trẻ em

Lỗ hổng trong giáo dục nhân cách cho trẻ em

Chúng ta quên mất rằng, một đứa trẻ ngoan ngoãn, chăm chỉ, hiền lành không phải sinh ra đã được như vậy mà nhờ được người lớn chăm sóc giáo dục. Bác Hồ cũng đã từng viết “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên” (Nửa đêm- Nhật ký trong tù). Một đứa trẻ lớn lên, hình thành được một tính cách tốt hay xấu trước hết nó phụ thuộc vào sự giáo dục của người lớn trong gia đình, nhà trường mà các em học và môi trường xã hội, các hoạt động xã hội mà trẻ em tham gia. Nhìn vào “ba lực lượng” giáo dục này nhiều lúc chúng ta phải giật mình bởi cách giáo dục còn thiên lệch, khắc kỷ hoặc là buông lỏng một cách đến vô tâm.

Với gia đình là nền tảng, là tế bào của xã hội, và trẻ em là người được học những bài học đầu tiên và thường xuyên về nhân cách trong gia đình. Thế nhưng, trước sự tác động của cuộc sống hiện đại, trước nhu cầu mưu sinh của nhiều gia đình mà giáo dục con cái bị sao nhãng. Có gia đình, nhất là ở nông thôn, bố mẹ sinh con gửi lại ông bà để đi làm kinh tế. Chỉ lo tiền cho con mà không biết rằng con cái thiếu thốn tình cảm, cần tình thương, sự ôm ấp vỗ về, động viên an ủi của cha mẹ khi chúng gặp những trở ngại trong cuộc sống. Những đứa trẻ thiếu tình thương thường sống lạnh lùng, vô cảm…

Lỗ hổng trong giáo dục nhân cách cho trẻ em

Muốn con ngoan học tốt nhưng cha mẹ nhiều khi lại không dành thời gian để quan tâm đến con cái. Ngày thì bận làm việc, tối xem vô tuyến hoặc ngủ, để cho trẻ loay hay nơi bàn học muốn làm gì thì làm. Với cách “quan tâm” đến con cái như vậy nên chưa bao giờ như bây giờ một không khí cô đơn bao trùm lên giới trẻ ngay chính trong ngôi nhà với người thân của mình lại đậm đặc như vậy.

Trẻ em cảm thấy cô đơn nên chúng phải tìm cách giải trí bằng cách kết thân với bạn bè, bằng các trò chơi Game online…Ông bà ta đã từng dạy “chọn bạn mà chơi” nhưng trong lúc cô đơn lại thiếu sự định hướng của người lớn thì chúng gặp ai cũng có thể kết thân được, tốt có, xấu có. Thậm chí có em còn không phân biệt được đâu là tốt, là xấu nên còn có những hành động làm theo bạn bè một cách mù quáng, thiếu bản lĩnh, học theo những thói xấu dễ dẫn tới phạm pháp, sa ngã. Không kết bạn ngoài đời thì chúng kết bạn ảo trên mạng hoặc chơi game bạo lực. Nếu bất kỳ ai đi vào bất kỳ một quán “net” nào cũng thấy trên 90% là thanh thiếu niên đang chơi game online mà phần lớn là game bạo lực. Điều này nó ảnh hưởng đến nhân cách một cách tiêu cực nhiều hơn là tích cực.

Ở thành thị có đôi ba tiệm cho thuê sách truyện để các em thuê đọc. Đây cũng là một cách giải trí tốt nhưng thị hiếu của các em lại thích truyện tranh mà truyện tranh cho trẻ em hiện nay cũng còn nhiều điều đáng bàn như ngôn ngữ phần lớn là khẩu ngữ (ít nhiều còn ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt), truyện tranh có rất nhiều chuyện của người lớn, hình ảnh khiêu gợi, kích thích trí tò mò của các em thì không đúng lúc. Ở nông thôn thì gần như không có sách để cho các em đọc. Các bưu điện văn hóa xã toàn sách dành cho người già và sách kỹ thuật nông nghiệp không đủ sức giữ chân các em. Rất ít xã có thư viện riêng vì thế các em không được giải trí lành mạnh bằng đọc sách, không học được lời hay lẽ phải, tri thức tiến bộ của nhân loại từ những trang sách. Đây cũng là một lỗ hổng trong giáo dục và cũng là một thiệt thòi lớn cho các em hiện nay.

Đối với nhà trường hiện nay thì xu hướng vẫn còn coi trọng dạy chữ hơn dạy người. Các em gần như phải học cả ngày. Học sinh phổ thông từ lớp 1 cho đến lớp 12 ngoài học buổi chính còn học buổi hai (nâng cao, củng cố kiến thức). Dưới áp lực của thi cử và các chỉ tiêu nhà trường đặt ra, mà thường là chỉ tiêu về chất lượng học lực đã làm cho giáo viên phải đầu tư nhiều vào việc truyền thụ kiến thức văn hóa nên còn rất ít thời gian cho giáo dục đức, thể, mĩ. Dẫn đến trẻ em cũng căng thẳng, mệt mỏi chán chường, sợ học và giảm hứng thú vui vẻ khi đến trường nên hiệu quả của việc giáo dục kỹ năng sống cho các em còn nhiều hạn chế.

Để khắc phục được những điều còn bất cập trong giáo dục nhân cách cho trẻ hơn ai hết người lớn phải thấy được trách nhiệm giáo dục con cái của chính mình. Tổ chức đoàn thanh niên (ở địa phương cũng như trong nhà trường) phải đẩy mạnh các hoạt động thường xuyên, phù hợp với nhu cầu và đáp ứng được yêu cầu của giới trẻ, tạo được môi trường tốt để giáo dục tình cảm, lí tưởng cũng như những kỹ năng sống mà các em cần. Nhà trường chú ý hơn đến giáo dục toàn diện, cân bằng các chỉ tiêu giáo dục để trẻ em được phát triển hài hòa có trí thức, có văn hóa và đời sống tâm hồn phong phú.

Rõ ràng trẻ em của chúng ta ngày nay ít được quan tâm giáo dục về nhân cách, đạo đức cũng như nếp sống và cách ứng xử. Phần lớn gia đình buông lỏng sự giáo dục con cái: “trăm sự trông cậy vào nhà trường”; trong khi nhà trường cũng chỉ nặng về “dạy chữ” và coi nhẹ việc “dạy người”. Các đoàn thể trong nhà trường cũng như tại cụm dân cư chưa có những hoạt động có sức hấp dẫn tạo ra sân chơi lành mạnh và có tác dụng giáo dục trẻ em.

                              Lỗ hổng trong giáo dục nhân cách trẻ em

Tình hình thực tế nói trên đã được các diễn đàn nói đến nhiều. Điều quan trọng lúc này là các lực lượng giữ vai trò chủ yếu giáo dục trẻ em cần làm tròn trách nhiệm của mình. Trước hết là các bậc cha mẹ cần nêu gương sáng cho con em mình noi theo cả về đạo đức cũng như lối sống; luôn quan tâm giáo dục con cái, không ỷ lại vào nhà trường. Mặt khác, các thầy cô giáo cũng nên coi trọng việc khuyến khích các em vừa phấn đấu học tập tốt vừa có ý thức xây dựng tập thể, đối xử thân mật và sẵn lòng giúp đỡ bạn bè.

Các cấp quản lý giáo dục cần giảm nhẹ chương trình học tập chính khóa để nhà trường có điều kiện tổ chức hoạt động ngoại khóa, giúp cho việc học của các em trở nên sinh động, toàn diện, và thiết thực hơn.

(Nguồn: sưu tầm)

 

 

 

 

 



Bình Luận

0973 962 456