Cách nuôi dạy tốt nhất để con trẻ thông minh

Cách nuôi dạy tốt nhất để con trẻ thông minh

Trí thông minh của trẻ nhỏ được quyết định bởi bộ gen di truyền từ bố mẹ. Nhưng trí thông minh đó có được phát hiện, nuôi dưỡng hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào cách dạy dỗ của chúng ta đối với con cái.

Hàng ngày chúng ta vẫn đang loay hoay tìm cách chăm con sao cho đúng, làm thế nào để con tăng cân, chọn sữa gì để con nhanh cao lớn khỏe mạnh, nên làm gì khi con sốt, ho… Dường như chúng ta đang tập trung quá nhiều vào việc chăm con, mà quên đi trách nhiệm là người dẫn đường, chỉ bảo, dạy dỗ con nên người với những phẩm chất tốt đẹp nhất.

“Con còn bé, biết gì mà dạy” hay “khi nào nó lớn, đi học thì nó sẽ biết” là quan niệm và tâm lý chung của không ít bố mẹ Việt. Thế nhưng, việc dạy con không phải bắt đầu vào lúc con đi học, mà ngay từ thời điểm con chào đời, bố mẹ đã phải đóng vai trò là những người đồng hành, cùng con khám phá, rèn luyện và tu dưỡng. Hành trình vất vả đó cần nhiều lắm sự kiên trì, nhẫn nại và tình yêu thương vô điều kiện với con trẻ.

Nuôi dạy con thông minh cũng quan trọng, cần thiết như việc chăm sóc con về mặt thể chất. Một đứa trẻ thông minh ắt sẽ là đứa trẻ độc lập, quyết đoán, tạo nền tảng vững chắc cho những giai đoạn phát triển tiếp theo của con.

Từ trước đến nay chúng ta vẫn lầm tưởng việc nuôi dạy con thông minh là một nhiệm vụ to tát lắm, là phải đầu tư thời gian tiền bạc cho con, là cho con đi học năng khiếu sớm, là con phải giỏi toán học…Nhưng những bí quyết để nuôi dạy con thông minh sau đây, chắc chắn sẽ khiến bạn ngỡ ngàng vì nó quá đơn giản và bất cứ bố mẹ nào cũng có thể làm được.

1. Gần gũi với thiên nhiên giúp trẻ càng thông minh khi trưởng thành
Thông thường, từ 0 đến 3 tuổi được coi là thời kỳ vàng để phát triển não bộ.

Lúc này, não của trẻ cần tiếp nhận được kích thích đầy đủ và phong phú để giúp thần kinh trong não nhanh chóng liên kết thành một mạng lưới. Kích thích càng nhiều, trí lực sẽ càng mạnh mẽ.

Mặc dù các món đồ chơi trong nhà cũng có phần nào tác dụng kích thích lên não bộ, nhưng những thứ thuộc về thiên nhiên bao gồm âm thanh, ánh sáng, màu sắc, mùi vị, hình dáng… sẽ càng thu hút sự chú ý của trẻ hơn.

Chính vì vậy, bạn đừng ngại trẻ sẽ bị dính bẩn, hãy để trẻ được tiếp xúc và chơi đùa với cát, với nước, thậm chí là bùn.

Thích vận động, thích chạy nhảy là thiên tính của những đứa trẻ. Và trong không gian rộng rãi, thoáng đãng của tự nhiên, trẻ sẽ được thỏa thích hoạt động, được trải nghiệm niềm vui và cả sự mệt mỏi hay thậm chí là một chút đau đớn khi trẻ bị té ngã.

Tất cả cảm giác này đều góp phần giúp trẻ học cách thể hiện cảm xúc chân thật của mình, học các kiên cường và có một nghị lực mạnh mẽ hơn khi trưởng thành.


Đồ chơi hỗ trợ:

Để giúp trẻ dễ dàng khám phá thiên nhiên hơn, bạn có thể mua cho trẻ chiếc kính lúp nhỏ vừa tay, vừa để trẻ được chơi đùa vừa có thể quan sát những sinh vật nhỏ bé, kích thích trí não của trẻ.

Bộ đồ chơi bằng nhựa dùng để nghịch cát và nước với nhiều món đồ nhỏ xinh như xẻng, xe chở, xô, thùng tưới cây, tôm, cua, cá… sẽ giúp trẻ vui đùa thỏa thích với thiên nhiên.

2. Học một nhạc cụ
Một nghiên cứu năm 2015 trên 10.500 cặp song sinh không thể khẳng định việc chơi nhạc cụ giúp thông minh hơn nhưng phát hiện ra những người có chỉ số IQ cao hơn có khuynh hướng chơi và gắn bó với một loại nhạc cụ.

Bên cạnh đó, học chơi nhạc cụ cũng có lợi ích về tâm lý, khuyến khích trẻ em chăm chỉ hơn. Luyện nhạc còn giúp trẻ tập tự kiểm soát, bao gồm khả năng tập trung và ghi nhớ.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc nghe nhạc có thể giúp trẻ phát triển trí nhớ, sự tập trung, động lực và việc học tập. Âm nhạc cũng giúp giảm thiểu căng thẳng, nguyên nhân phá hoại não bộ của trẻ. Học cách chơi một số nhạc cụ cũng có ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ của não và cách đưa ra những lập luận, việc này đặt nền tảng tốt cho việc phát triển môn toán học trừu tượng sau này. Nếu có thể hãy bắt đầu bằng việc cho trẻ học đàn piano. Sau khi đọc được các nốt nhạc và chơi được 10 nốt cùng một lúc trẻ sẽ dễ dàng học các nhạc cụ khác. Nhưng điều quan trọng hơn cả là cần cho trẻ học chơi các nhạc cụ từ sớm, không quan trọng là nhạc cụ nào.


3. Chơi cờ
Những người yêu cờ từ lâu khẳng định đây là bộ môn phát triển đầu óc. Nhiều nghiên cứu cũng tìm thấy mối liên hệ giữa chơi cờ và khả năng giải quyết vấn đề.

Các học sinh biết chơi cờ thường có thành thích tốt hơn ở trường. “Hầu hết học sinh đều rất hứng thú với cờ. Sự hứng thú này có thể giúp các em có động lực hơn về việc học” nhà nghiên cứu Giovanni Sala của Đại học Osaka, Nhật Bản, nói.

Ngoài ra, các em cũng có thể áp dụng kỹ năng chơi cờ vào môn học như toán.

4. Luyện tập trí nhớ ngắn hạn
Các chương trình luyện tập bằng video được thiết kế kỹ lưỡng được cho là có thể giúp cải thiện trí nhớ ngắn hạn của trẻ, hoặc khả năng lưu giữ thông tin trong một thời gian ngắn.

Trong khi đó, các nghiên cứu gần đây tìm thấy bằng chứng rằng trí nhớ ngắn hạn có thể giúp cải thiện kỹ năng đọc và làm toán, hoặc trí thông minh mềm, khả năng suy luận trong những tình huống mới.

5. Tương tác với con
Các nhà khoa học đã quan sát những đứa trẻ không được ôm ấp, yêu thương và chơi cùng với bố mẹ hầu như không phát triển não bộ. Họ cũng nhận thấy những đứa trẻ không được ôm ấp và không nhận được sự quan tâm chú ý không phát triển đồng đều và thường có cảm giác chán nản, thậm chí có thể tử vong. Mặt khác, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những tương tác như ôm ấp, chơi với con giúp phát triển trí tuệ và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến những đứa trẻ. Kết nối yêu thương cùng với những tương tác được hình thành giữa bạn và con của bạn sẽ mang lại nền tảng cho việc phát triển các kỹ năng tư duy.

Hãy nói chuyện với trẻ và lắng nghe những gì trẻ nói. Điều này giúp củng cố khả năng giao tiếp và ngôn ngữ. Bạn cũng có thể đọc sách cho con nghe. Hãy bắt đầu đọc sách cho trẻ ngay cả khi trẻ chưa biết chữ. Điều này sẽ đặt nền móng cho sự phát triển các kĩ năng ngôn ngữ. Những đứa trẻ được bố mẹ đọc sách cho nghe từ nhỏ có khả năng phát triển niềm đam mê đọc sách, có thành tích học tốt ở trường và thành đạt trong cuộc sống khi trưởng thành. Đọc sách cho trẻ là một trong những họat động quan trọng để nuôi dạy một đứa trẻ thông minh.


6. Không đánh mắng con
Bạo lực không bao giờ hiệu quả với hành vi và cảm xúc của một đứa trẻ. Thay vào đó, trẻ sẽ tìm mọi cách để tránh các hình phạt. Những trẻ này sẽ trở thành kẻ nói dối để đạt được điều mình muốn. Ngược lại, những trẻ không phải nếm đòn roi thường ít trầm cảm, biết kiểm soát cảm xúc và có trí nhớ tốt hơn.

7. Phát triển cân bằng cả bán cầu não trái và bán cầu não phải
Bán cầu não trái có nhiệm vụ xử lý ngôn ngữ, tư duy trừu tượng, viết, tính toán, sắp xếp, phân loại, ghi nhớ từ ngữ và tri giác thời gian. Còn bán cầu não phải có vai trò xử lý hình tượng tổng thể, khái niệm không gian, phân biệt hình vẽ, khả năng cảm thụ âm nhạc, khả năng bắt chước. Bán cầu phải có cơ năng mang tính chỉnh thể, tổng hợp, sáng tạo, chủ quan trực giác, trí tưởng tượng, thái độ, tình cảm, ý chí của con người. Tuy rằng mỗi bên bán cầu não có chức năng riêng, song chúng luôn tương hỗ lẫn nhau trong quá trình hoạt động.

Phát triển cân bằng cả bán cầu não trái và bán cầu não phải là một trong những nguyên tắc quan trọng để phát triển trí tuệ cho trẻ.

8. Khuyến khích trẻ tập thể dục
Những bài rèn luyện thể chất không chỉ khiến trẻ khỏe mạnh và còn giúp trẻ phát triển thông minh. Các bài tập sẽ giúp điều hòa lượng máu lên não và tái tạo các tế bào não. Việc tập luyện tốt cho tinh thần của người lớn và đặc biệt hơn đối với trẻ nhỏ nó còn có tác dụng lâu dài đối với sự phát triển của não.

9. Để cho trẻ quan sát, chứng kiến bạn làm những việc sáng tạo
Trẻ con học thông qua việc bắt chước những hành động của người lớn. Nếu trẻ nhìn thấy bạn gắn bó với những cuốn sách, viết lách hoặc làm những công việc sáng tạo chúng sẽ bắt chước và thông qua đó, dần dần theo quá trình chúng sẽ tìm tòi, khám phá và thông minh hơn.

10. Cho phép trẻ chơi những trò chơi thông minh trên máy tính
Những trò chơi thông tinh trên máy tính có thể dạy cho trẻ về các con số, toán học, âm nhạc, phát âm và nhiều lĩnh vực khác. Các trò chơi này cũng giúp trẻ phát triển các kĩ năng phối hợp tay và mắt và “đào tạo” trẻ những kĩ năng liên quan đến máy tính, công nghệ sau này. Quan trọng hơn, trẻ có thể vừa học vừa chơi. Vừa học vừa chơi một cách thoải mái, vui vẻ là cách tốt nhất để trẻ có thể lĩnh hội kiến thức.

11. Cho trẻ ăn uống đúng cách
Một chế độ thực phẩm phù hợp đặc biệt quan trọng trong việc nuôi dạy một đứa trẻ thông minh.

Chế độ ăn giàu protein như trứng, cá, thịt, đậu, lạc… sẽ giúp cải thiện sư chú ý, mức độ tỉnh táo và tư duy của trẻ. Carbohydrates giúp cung cấp năng lượng để não sử dụng trong quá trình tư duy. Nguồn carbohydrates dồi dào nhất bạn có thể tìm thấy trong ngũ cốc nguyên hạt và các loại trái cây.

Các loại carbohydrate chế biến và đường có ảnh hưởng xấu đến khả năng và mức độ tập trung của trẻ, vì vậy bạn cần lưu ý điều này. Vitamin và khoáng chất cũng rất quan trọng.

12. Cùng nhau tận hưởng các bữa ăn gia đình
Các nhà khoa học đã kết luận rằng, cùng dùng bữa với gia đình thường xuyên có liên quan trực tiếp đến tỷ lệ thấp của chứng trầm cảm, ý nghĩ tự sát cũng như những ảnh hưởng xấu đến trí não ở độ tuổi thanh thiếu niên. Các em cũng có cái nhìn tích cực, sâu rộng hơn về mọi thứ so với bạn bè cùng lứa mà ít dùng bữa với người thân. Và nhớ nên tắt tivi vào những thời điểm này.

13. Không phán xét mà khích lệ sự nỗ lực của con
Trẻ em, cũng như người lớn, nghĩ về thành công theo 2 cách: Những người có tư duy bảo thủ cho rằng tính cách, sự thông minh và sáng tạo có thể không bao giờ thay đổi. Cách duy nhất để đạt được thành công là bằng mọi giá phải tránh thất bại.

Ngược lại, người có tư duy cầu tiến coi thất bại là cơ hội để hiểu rõ các kỹ năng và khả năng của mình. Để khích lệ trẻ phát triển tư duy cầu tiến, đừng bao giờ nói rằng trẻ thành công chỉ vì tài năng bẩm sinh. Thay vào đó, hãy trân trọng và khuyến khích sự nỗ lực của con.

14. Dạy trẻ cách phân tích và đối mặt với các vấn đề
Kiểm soát liên tục có thể dẫn đến những ảnh hưởng về nhận thức và hành vi của trẻ trong tương lai. Tin tưởng con, để chúng tự quyết định là cách nuôi dạy hiệu quả. Hãy bắt đầu với những thứ nhỏ như để trẻ lựa chọn mặc gì hay ăn gì vào buổi sáng. Con bạn sẽ dần trở nên độc lập và hiểu điều mình thực sự muốn trong đời. Hãy lắng nghe cẩn thận nếu con quyết định chia sẻ những vấn đề của mình với bạn và giúp con đưa ra lựa chọn tốt nhất.

15. Giúp con đối phó với những cảm xúc tiêu cực
Trẻ sinh ra không có sẵn khả năng kiểm soát cảm xúc nên cần được bố mẹ hỗ trợ để học hỏi kỹ năng này. Làm chủ được bản thân, khi lớn lên, trẻ sẽ bảo vệ các mối quan hệ của mình khỏi bị phá hoại vì sự tức giận, ghen ghét và các cảm xúc tiêu cực khác.

16. Dạy trẻ biết quan tâm
Ngay từ khi còn nhỏ, việc dạy trẻ biết quan tâm, chăm sóc người khác và biết ơn ai đã giúp mình rất quan trọng. Các nghiên cứu cho thấy những người từng bày tỏ sự biết ơn thường sống có ích, biết cảm thông và tha thứ hơn. Ngoài ra, họ cũng cảm thấy hạnh phúc, khỏe mạnh và cũng dễ có những đột phá hơn.

17. Một đứa trẻ hạnh phúc là một đứa trẻ thông minh
Dạy trẻ thông minh
Đây là nguyên tắc bố mẹ cần phải nhớ nếu muốn con là đứa trẻ thông minh. Một đứa trẻ được sống trong tình yêu thương của bố mẹ, gia đình luôn rộn rã tiếng cười, niềm vui thì trí thông minh của trẻ được phát huy tối đa. Có nhiều nghiên cứu đã chứng minh trẻ càng biết cười sớm, não bộ càng phát triển nhanh. Bố mẹ đừng ngần ngại thể hiện tình yêu thương với con trẻ. Khi trẻ cảm nhận mình đang được yêu thương, bao bọc, chở che, trẻ sẽ tự tin, mạnh mẽ và thông minh hơn. Vì vậy môi trường gia đình “trong lành” sẽ tạo tiền đề cho bé phát triển vượt bậc về trí thông minh sau này.



Bình Luận

0973 962 456